Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016 Khoa học Xã hội & Ký ức tập thể

Emile Durkheim (một nhà xã hội học của cuối thế kỷ 19) tuyên bố rằng ký ức là động cơ tinh thần của xã hội, hướng đến một mục tiêu thống nhất. ‘Ký ức tập thể’ do đó trở thành đề tài nghiên cứu sống còn của ngành khoa học xã hội, chắp bút cho các thuật ngữ như ‘ký ức lịch sử’, ‘ý thức lịch sử’ hoặc ‘tâm lý tập thể’. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nghiên cứu của Durkheim lại trùng hợp với quá trình mở rộng kinh tế của Đế chế Thuộc địa, khi những hệ thống giá trị phương Tây (trong quan niệm đạo đức, đúng sai, giai cấp, tôn giáo, đạo hiếu, bổn phận, v.v…) được đặt ở thế thượng phong và đương nhiên được áp lên người dân thuộc địa. Những người dân bản địa bị tước đi toàn bộ kế sinh nhai, tài nguyên và nhân phẩm. Họ bị đối xử như ‘kẻ ngoại lai’ (và dần dà trở thành công dân của ‘Thế giới Thứ ba’, những quốc gia ‘đang phát triển’ và mới độc lập của khu vực phía Nam). Vị trí địa lý quốc gia, phong tục, tín ngưỡng, và hệ thống giá trị của họ lần lượt bị thu thập, phân tích, ghi chép, thay lời, thay mặt đại diện, trưng bày và sau hết, bị đánh giá và thống trị trong một hệ thống phân loại nặng tính khinh thường.

STừ khi tiền đề thuộc địa sụp đổ, các nghệ sĩ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hồi phục ký ức chung của ‘phương Nam’, minh họa cho sự trường tồn của hệ thống văn hóa địa phương, bàn về áp lực giữa công nghiệp hóa và khát khao nối lại/trở về/tưởng nhớ lối sống cổ truyền (dẫu hành trình tìm về đó thường rất gian nan cho những cộng đồng nơi truyền thống do mang nặng tính cưỡng chế hoặc đã ăn sâu vào tiềm thức văn hóa nên khó có khả năng bị đối chất, như trong tác phẩm của Nguyễn Hương Trà). Các nghệ sĩ thường sử dụng phong cách phim tài liệu (Giovanna Miralles, Nguyễn Trinh Thi) và ráp hình (Mikhail Karikis), hay thao túng phim, kể cả phim cơ học truyền thống (Kidlat Tahimik) lẫn phim kỹ thuật số hiện đại (Amar Kanwar) để đối chiếu hoặc làm nổi bật tính thực tế hay hư cấu của tài liệu. Ở khía cạnh khác, máy quay đóng vai diễn giả, đặt người xem vào hoàn cảnh đau thương của nghệ sĩ (Vandy Rattana); cũng có khi lối sử dụng âm thanh trở thành mối dây liên kết các thước phim lịch sử với hiện đại (Renata Padovan).

Những nghệ sĩ trong chủ đề này kết nối vừa ở kỹ năng kể chuyện, vừa ở phương pháp nghiên cứu nhân học về văn hóa xã hội (đôi khi còn đem lại rủi ro cho bản thân). Công việc của họ với cộng đồng địa phương đòi hỏi rất nhiều công tác điều tra tìm về nguồn cội, quá khứ. Họ tận tụy dành thời gian xây dựng lòng tin của người dân để được cho phép quay phim, ghi chép những gì cộng đồng đã chứng kiến, chịu đựng, hoặc nghi ngờ.

Các nghệ sĩ băn khoăn liệu khi nào khoa học xã hội sẽ phản bác hay lật đổ những trữ liệu chính thức; liệu bản thân người nghệ sĩ có thể đưa ra những phân định hoặc diễn dịch nào khác không? Và chúng sẽ dành cho ai? Người xem sẽ thấy những câu trả lời châm biếm, hài hước, và nên thơ trong các thước phim chân thật sẽ trình chiếu, nơi Bolivia, Hàn quốc, và Brazil tưởng niệm những nghi lễ văn hóa tôn thờ nước và tặng phẩm của nước; nơi câu chuyện về một người nô lệ Phillipines trở thành ký ức lịch sử thuộc địa nơi quê hương anh; nơi một người con Cộng Hoà Ấn Độ trớ trêu mời vị tướng quân sự Miến Điện bày tỏ lòng tôn kính với Gandhi; hay như Việt Nam, nơi các vấn đề về tình dục và giới tính vẫn phải đấu tranh một cách khó khăn với phong tục và hệ tư tưởng sẵn có; như Campuchia, nơi ký ức tập thể gần như bị Khmer Đỏ phá hủy toàn bộ đến mức nhân tính gần như chỉ tồn tại thoi thóp trong quên lãng.

LỊCH CHIẾU


 

SÀI GÒN, VIỆT NAM
19:30

KAMPALA, UGANDA
17:00

SÃO PAULO, BRAZIL
19:30

THỨ TỰ CÁC PHIM TRONG BUỔI CHIẾU

NGHỆ SĨ: PHIM: THỜI LƯỢNG (phút):
GIOVANMNA MIRALLES (BOLIVIA-UK) UMATURKA The Call of the Water 45:00
MIKHAIL KARIKIS (GREECE-UK) SeaWomen 16:02
RENATA PADOVAN (BRAZIL) Aral Mermaid 4:12
KIDLAT TAHIMIK (PHILIPPINES) Memories of Overdevelopment Redux I 33:00
VANDY RATTANA (CAMBODIA) Monologue 18:55
AMAR KANWAR (INDIA) The Face 4:35
NGUYỄN HƯƠNG TRÀ (VIETNAM) Marriage Prayer 8:48
NGUYỄN TRINH THI (VIETNAM) Love Man, Love Woman 50:00

ĐƠN VỊ ĐỒNG TỔ CHỨC CHIẾU PHIM